JV color JV color JV color
Chủ nhật, 15 Tháng 9 2024

bannertrencung

Hệ thống Vifotec

thuvienhinhanh dulieuvifotec link

 ooffice link lienhegopy

Video vifotec

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.
Title: Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc 2015




Ảnh ngẫu nhiên từ thư viện

Bản đồ

Tìm kiếm thông tin

Quảng cáo

vnpt
evn1

Thống kê

Các thành viên : 2
Nội dung : 223
Liên kết web : 7
Số lần xem bài viết : 7937775

Đang trực tuyến

Hiện có 120 khách Trực tuyến
Home Giới thiệu Phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh

Phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh

PDF.InEmail

TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THẬT SỰ NGANG TẦM QUỐC SÁCH HÀNG ĐẦU

Đồng chí Nông Đức Mạnh

Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng

Thưa các đồng chí,

Nong-Duc-Manh1. Đại hội lần thứ IX của Đảng biểu thị quyết tâm của toàn Đảng: "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chỉ ra phương hướng, chủ trương, giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy nội lực, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phấn đấu đến năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong các nguồn lực để phát triển đất nước nhanh, hiệu quả, bền vững, đúng định hướng thì nguồn lực con người là yếu tố cơ bản. Muốn xây dựng nguồn lực con người, phải đẩy mạnh đồng bộ giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với việc coi văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển. Đại hội lần thứ IX của Đảng một lần nữa khẳng định phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để có nguồn lực đủ sức nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy lùi nguy cơ, đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ mới, Đại hội lần thứ IX của Đảng đã nhấn mạnh mục tiêu giáo dục và đào tạo: Bồi dưỡng thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng nhân ái, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần hiếu học, chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn. Đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, quan tâm hiệu quả thiết thực, nhạy cảm với cái mới, có ý thức vươn lên về khoa học và công nghệ. Xây dựng đồng bộ đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia và các nhà khoa học, nhà văn hóa tài năng, nhà kinh doanh, nhà quản lý giỏi.

Để đạt mục tiêu đó, tất yếu phải quan tâm giáo dục toàn diện: chính trị, tư tưởng, kiến thức, đạo đức, lối sống từ trong nhà trường. Kiên quyết khắc phục nhanh chóng và có hiệu quả những yếu kém về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức trong các nhà trường; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, kỷ cương, kiên quyết ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục và các tệ nạn xã hội thâm nhập học đường. Bảo đảm cơ cấu hợp lý về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tránh tình trạng ở một số nơi, một số ngành "thừa thầy", "thiếu thợ" như một số đồng chí đã đề cập.

Khoa học và công nghệ phải vươn lên nhanh chóng. Phát huy dân chủ, gắn liền tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, góp phần giải đáp những vấn đề lý luận đặt ra trong thực tiễn cuộc sống thời kỳ đổi mới. Tập trung sức nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế quốc dân để tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng hóa, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, quản lý của các cấp cũng như sự cố gắng của các đồng chí hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nên lĩnh vực này đã đạt những kết quả và tiến bộ, có mặt tiến bộ rõ rệt. Điều đó cần được khẳng định. Tuy nhiên, trên tinh thần kiểm điểm việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ với tầm "quốc sách hàng đầu" chứ không phải chỉ là chính sách bình thường thì rõ ràng các lĩnh vực này còn nhiều yếu kém, bất cập và đã để xảy ra những tiêu cực. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần lưu ý hơn trên cả bốn mặt: đầu tư tài chính, đầu tư cán bộ, chính sách ưu tiên và chất lượng chỉ đạo, quản lý. Cùng với mở rộng quy mô, phải đặc biệt tập trung sức nâng cao chất lượng, hiệu quả; Chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo và công tác quản lý giáo dục. Không thể bằng lòng với số lượng học sinh, sinh viên, bằng cấp, đề tài, mà phải lấy việc đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lấy việc nâng cao đạo đức công dân, trình độ dân trí, tăng năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố an ninh - quốc phòng làm thước đo hiệu quả của giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.

2. Tổ chức và cán bộ luôn luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc góp phần xác định đúng đắn đường lối, chính sách và thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là những yếu tố có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã có những thành tựu lớn và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu rất quan trọng trong bối cảnh trong nước và thế giới rất phức tạp, trong đó có phần đóng góp quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực còn nhiều yếu kém, bất cập như Đại hội lần thứ IX và các đại hội trước đây của Đảng đã nhận định.

Lĩnh vực này rất hệ trọng, cần thực hiện tốt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ. Chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc rằng, khi đã nắm chính quyền, trong công tác tổ chức, bên cạnh thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, bao gồm tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân nhằm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân". Cần tổng kết thực tiễn mà phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị và từng cá nhân và người đứng đầu trong bộ máy; đặc biệt là mối quan hệ giữa các tổ chức đó để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất của hệ thống chính trị, vừa phát huy được sức mạnh của từng tổ chức. Vừa qua, Hội nghị Trung ương lần thứ năm đã có Nghị quyết về hệ thống chính trị cơ sở, là cấp cực kỳ quan trọng. Trên tinh thần đó, với kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, cần tiếp tục cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ và các mối quan hệ giữa các tổ chức của từng cấp để có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở xã, phường, thị trấn.

Sau khi có đường lối đúng, phẩm chất và năng lực cán bộ là vấn đề có ý nghĩa quyết định, không những quyết định việc tổ chức thực hiện thành công mà quyết định cả mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Bác Hồ nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Chỉ ra phương hướng rèn luyện cán bộ, Bác Hồ khẳng định "đức là gốc", đồng thời Người yêu cầu phải "vững về chính trị, giỏi về chuyên môn" để xây dựng một đội ngũ "vừa hồng vừa chuyên" như Di chúc của Người.

Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về chiến lược cán bộ đã đề ra tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cho từng loại cán bộ. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề cập nhiều về vấn đề cán bộ, yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức "vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn" theo tư tưởng về cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta cần luôn luôn nắm vững tư tưởng của Bác Hồ và các tiểu chuẩn cụ thể trong việc đánh giá, bồi dưỡng, lựa chọn và quản lý cán bộ; đặc biệt trong lúc này cần hết sức lưu ý vấn đề kiên định mục tiêu lý tưởng; đạo đức, lối sống; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quan hệ với nhân dân, sát cơ sở và năng lực tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Khi Trung ương chuẩn bị và tiến hành hội nghị để bàn và quyết định các vấn đề về tổ chức và cán bộ thì các cơ quan bảo vệ luật pháp đang tiến hành điều tra, xét xử một số vụ án lớn. Tại hội nghị này, trên tinh thần dân chủ và thẳng thắn, các cơ quan chức năng cũng như từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đều làm đầy đủ trách nhiệm của mình để phân tích, xem xét kỷ luật một số đồng chỉ Ủy viên Trung ương Đảng, bảo đảm tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Qua việc xem xét xử lý những vi phạm của một số cán bộ, đảng viên, chúng ta có thêm những cơ sở để xem xét và bổ sung các quan điểm, chính sách, quy trình trong việc đánh giá, bồi dưỡng, lựa chọn, quản lý cán bộ, mạnh dạn đề bạt những người tốt, người tài cũng như không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Đồng thời, đó cũng là bài học lớn đối với mỗi chúng ta trong việc tự rèn luyện và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ.

Qua thực tiễn rất phong phú đã diễn ra, chúng ta thấy cần nhấn mạnh trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân người lãnh đạo. Là người được giao phụ trách một lĩnh vực, một địa phương, một tổ chức, đơn vị thì phải chịu trách nhiệm về hậu quả công tác yếu kém, về tệ tham nhũng, lãng phí, quan liệu xảy ra ở lĩnh vực, địa phương, tổ chức và đơn vị đó. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng nặng. Không làm tròn trách nhiệm thì không thể giữ chức vụ đó. Đó cũng là tinh thần kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (Khóa IX) và cũng là mong muốn, đòi hỏi của nhân dân và của toàn Đảng ta; cũng là thái độ của Ban Chấp hành Trung ương khi xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật đối với hai đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trong hội nghị lần này.

Cũng qua bài học thực tiễn, chúng ta ngày càng nhận thấy cái "giá" phải trả là rất đau xót cho cách sống buông thả, đua đòi của một số cán bộ thoái hóa, biến chất, không giữ gìn phẩm chất chính trị, tư cách, đạo đức trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Có đồng chí đã có những cống hiến, chịu đựng gian khổ, hy sinh, gắn bó với đồng chí, đồng bào trong các cuộc kháng chiến; nhưng nay đã bị gục ngã trước sự tiến công của đồng tiền bất chính và các cám dỗ khác trong cuộc sống, trở nên quan liêu, hách dịch, sống xa hoa, xa cơ sở, xa nhân dân, tham ô, hủ hóa, thậm chí đồng loã, tiếp tay, bao che cho bọn tội phạm, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân, làm tổn hại uy tín và danh dự của Đảng và Nhà nước.

Cán bộ, công chức trước hết phải là một công dân tốt, không những thế họ phải "nêu gương" như Bác Hồ thường nói. Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đã khẳng định: "Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng". Cán bộ, nhất là người đứng đầu, có gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cá nhân và gia đình mới có thể được nhân dân tin cậy, được cán bộ, chiến sĩ của địa phương và đơn vị tín nhiệm, do đó mới có thể lãnh đạo và quản lý, chỉ huy tốt. Đảng đã có Điều lệ Đảng và những quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhà nước đã có Pháp lệnh công chức. Cán bộ, công chức dù ở cấp nào, là đảng viên, là công dân, phải gương mẫu chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Có công được khen thưởng, có tội bị xử phạt, bất kể người đó là ai. Không một cá nhân, một tổ chức nào được lợi dụng quyền thế để châm chước, bao che cho người mắc lỗi, phạm tội. Các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể có trách nhiệm thực hiện dân chủ, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, có cơ chế quản lý hoạt động của cán bộ, công chức; đặc biệt có cơ chế để nhân dân góp ý phê bình, giám sát cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Có giám sát tốt mới có thể đánh giá đúng, lựa chọn đúng và đặc biệt là kịp thời ngăn ngừa những sai phạm ngay từ khi mới có những dấu hiệu vi phạm; đó cũng là phương thức quan trọng để bảo vệ cán bộ, bảo đảm Đảng và Nhà nước ta có đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu.

Thưa các đồng chí,

Báo cáo giải trình tiếp thu của Bộ Chính trị, các kết luận, nghị quyết đã được Trung ương thông qua là nội dung chính của Hội nghị Trung ương lần này. Tôi đề nghị các đồng chí Trung ương, lãnh đạo các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung mà Hội nghị Trung ương đã thông qua, tạo nên chuyển biến tích cực, vững chắc, để các quyết định của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ và hạnh phúc.